Bản tin thế giới 11/11/2024: Quan chức của FED đã đưa ra cảnh báo về các đề xuất chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ – Donald Trump có thể ảnh hưởng đến tình trạng lạm phát kéo dài ở Mỹ nếu có sự đấu chọi nhau bằng thuế quan giữa các nước.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, bày tỏ lo ngại rằng các đề xuất thuế quan mới có thể gây ra vòng xoáy trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và các đối tác thương mại. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong dài hạn.
Trong một cuộc phỏng vấn trên CBS ngày 10/11, ông Kashkari cho rằng tác động của thuế quan lên lạm phát phụ thuộc vào phản ứng của các đối tác thương mại. Nếu họ trả đũa bằng các biện pháp tương tự, vòng xoáy leo thang thuế quan có thể khiến lạm phát trở nên khó kiểm soát và khó dự đoán.
Trong lần đắc cử đầu tiên, ông Trump đã khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng việc áp đặt các loại thuế nhập khẩu vào hàng hóa nước này, điều này khiến cho Bắc Kinh cũng làm lại việc tương tự là áp đặt thuế quan lên hàng hóa Hoa Kỳ. Trong nhiệm kỳ này, ông Trump cũng đã nổ phát súng đầu tiên khi áp thuế lên hàng nhập khẩu của mọi quốc gia và nổi bật là mức thuế lên đến 60% với hàng hóa Trung Quốc.
Giới chuyên gia kinh tế và tài chính đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ chính sách thương mại cứng rắn có thể làm trầm trọng thêm lạm phát, nhất là trong bối cảnh áp lực giá đang dần hạ nhiệt sau giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch. Ông Kashkari nhận định rằng mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn cần thận trọng và tiếp tục các nỗ lực cho đến khi đạt được mục tiêu ổn định giá cả.
Vào tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiếp tục hạ lãi suất thêm 0,25% trong tuần trước, nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát đang dần tiệm cận mục tiêu 2%. Ông Kashkari cho rằng Fed có thể sẽ giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 12, tuy nhiên quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế thực tế tại thời điểm đó.
FED luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự độc lập về mặt chính trị, đây chính là yếu tố then chốt giúp các quan chức của mình có thể tự do đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ dựa trên đánh giá khách quan về tình hình kinh tế đất nước. Sự độc lập này cho phép họ tập trung vào mục tiêu ổn định giá cả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững mà không bị áp lực bởi các yếu tố chính trị bên ngoài, chẳng hạn như việc bổ nhiệm hay bãi nhiệm.
Mặc dù có nhiều ý kiến lo ngại về sự can thiệp của chính trị vào hoạt động của Fed, ông Neel Kashkari, vẫn tỏ ra tin tưởng vào khả năng duy trì sự độc lập của tổ chức này. Ông khẳng định rằng Fed sẽ luôn đặt nhiệm vụ kinh tế lên hàng đầu, và mọi quyết định của Fed, dù trong hiện tại hay tương lai, đều sẽ dựa trên những phân tích kỹ lưỡng về dữ liệu kinh tế vĩ mô, chứ không phải do những tác động chính trị.